Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

Kinh nghiệm trồng rau trong thùng xốp bạn nên biết

1. Cách làm thùng xốp và đất

– Thùng xốp:

Đa số tất cả các loại cây khi được trồng trong thùng xốp cao và nhiều đất thì cây đều phát triển tốt hơn. Tùy vào loại cây mà chọn thùng cho phù hợp. Ví dụ như khi trồng đu đủ, dưa, cà chua, khế, thanh long, mướp, bầu, su su, chanh, ổi thì cần thùng 40x70x50cm, còn các loại như cà chua, đậu cove, cà chua và đa số các loại rau ăn lá thì chỉ cần thùng 30x35x50cm.



Trồng vào thùng cao sẽ chứa được nhiều đất. Chính vì vậy nên giữ được nhiều nước hơn giúp hạn chế số lần tưới nước. Như lúc gieo hạt và tưới lần đầu thì khoảng 5 đến 7 ngày sau bạn mới tưới lại lần hai. Nhờ đó, cây có thời gian yên tĩnh để phát triển, ko bị động rễ vì bị tưới nhiều. Ngoài ra, tưới nhiều lần còn làm cho đất bí bị nén chặt dần theo thời gian, làm cây bị bó rễ

Khi trồng rau trong thùng xốp, bạn cần đục các lỗ ở xung quanh bốn cạnh, cách đáy khoảng 5cm. Những lỗ này giúp đất thoáng khí. Lí do không đục thủng đáy vì giữ nước không bị chảy hết ra ngoài, cũng như hạn chế rửa trôi phân bón.

Ở đáy thùng xốp, bỏ cho 5 vỏ chai nước suối có đục lỗ vào. Các chai này đều có nắp đậy kín. Cách làm này khiến lỗ thoát nước to. Hơn nữa, bụng chai nước suối rất to, khiến cho không khí vào ra dễ dàng – nhờ đó cung cấp khí Oxy dồi dào cho rễ và thải CO2 ra ngoài dễ dàng.



– Đất trồng:

Đất trồng là đất thịt và đất phù sa thịt. Vì trồng trong thùng xốp nên đất cần phải được xử lý và trộn thêm một số thành phần để đảm bảo độ tơi xốp, thoát nước.

– Xỉ than: ngâm nước 2 ngày, mỗi ngày thay nước 2-3 lần, sau đó đập vụn cục xỉ than thành các mảnh nhỏ.

– Trấu hun

– Trấu tươi

– Phân trùn quế

– Mùn dừa

– 1 lượng nhỏ phân NPK dạng bột (30kg đất chỉ cho 1 thìa cà phê NPK) hoặc phân hữu cơ tự ủ hoặc mua ngoài tiệm.

Đất sau khi đánh tơi sẽ đem trộn với các thành phần trên với tỷ lệ đất chiếm 60 – 70%. Đổ đất cách miệng thùng xốp khoảng 5cm.

2. Cách ươm và gieo hạt

Để tăng khả năng nảy mầm, đặc biệt với những loại hạt to, vỏ cứng, bạn cần ngâm vào nước (2 sôi 3 lạnh) và ủ nứt nanh trước khi đem gieo vào đất. Thông thường, bạn ngâm nước qua đêm rồi bỏ vào khăn ẩm để chỗ tối. Sau vài ngày, khi đã thấy hạt nứt nanh thì mang gieo vào viên nén ươm hạt cho đến lúc cây ra 2 lá thật cứng cáp mới trồng ra đất.

Với những loại hạt nhỏ thì có thể không cần ủ trước mà gieo thẳng vào đất. Gieo hạt thưa rồi phủ lên một lớp đất dày 1 cm lên mặt rồi tưới ẩm.

Trời mát thì bạn để thùng xốp ra ngoài trời để cây quang hợp. Khi mùa hè đến, nhiệt độ quá cao có thể che lưới đen lúc mới gieo để chỗ có bóng râm che bớt nắng. Lúc cây đã cứng cáp mới đem dần ra nắng để cây thích nghi.

3. Ủ rác nhà bếp để tưới cho cây



Dưa vàng trồng thùng xốp cho quả khủng

– Ủ phân cá

Bạn cần kiếm một chiếc thùng to có nắp đậy. Đục nhiều lỗ nhỏ vòng quanh, cách miệng thùng 5cm để thông khí. Đầu tiên, đổ 1 lớp đất khô dày 10cm xuống dưới cùng. Tiếp theo, đổ lòng cá hoặc cá ươn lên trên, dải 1 lớp mỏng nấm đối kháng tricoderma rồi tiếp tục 1 lớp đất phủ kín. Cứ như vậy đến khi nào đầy gần đến miệng (cách miệng 7-10cm) thì đậy nắp lại. Cách vài ngày thì bạn mở nắp và đổ sạch nước ngưng tụ dưới mặt nắp thùng. Lặp lại đến khi nào thấy không còn nước bốc hơi và không thấy mùi nữa. Lúc này đem phân cá trộn vào đất như 1 loại phân bón. Một thùng xốp chỉ cần cho khoảng 2 cân phân cá trộn đều vào đất trước khi trồng. Mỗi năm, bạn chỉ cần bón phân cá một lần cũng đã tạo ra kết quả khác biệt

– Ủ rác nhà bếp

Hàng ngày, cho tất cả rác nhà bếp như cọng rau thừa, cơm nguội, nước canh thừa, vỏ rau củ quả, nước vo gạo, nước rửa thịt cá,…vào thùng có nắp đậy. Sau khoảng 7 đến 10 ngày là dùng được. Bạn lấy 1 phần nước cốt pha với 7 đến 10 phần nước lã để tưới cho cây tùy giai đoạn cây lớn hay nhỏ. Nếu trót tưới lên lá thì nên tưới lại nước lã cho sạch.

4. Cách bón phân NPK


NPK dạng bột để bón lót vào đất trước khi trồng. Đối với cây ăn quả thì trộn đều 3kg lân, 2kg kali, 1kg đạm. Với 1/2 – 1 chén trà phân NPK thì pha với 7 đến 10 lít nước. Mỗi tuần tưới 2 lần cho đến khi thấy cây nhú mầm nụ. Khi cây đã ra hoa thì không tưới thêm NPK để tránh rụng hoa. Đến khi quả đã đậu và to bằng đầu đũa thì tiếp tục tưới NPK để thúc quả lớn nhanh. Lần cuối cùng tưới NPK cách thời điểm thu hoạch ít nhất 10 ngày.



Cây cà chua trồng thùng xốp sai trĩu quả nhà chị Huyền.

5. Xử lý sâu bệnh hại

– Trị sâu bệnh bằng gừng, ớt, tỏi

Bạn băm nhỏ 1kg gừng, 1kg tỏi, 1kg ớt rồi đem ngâm cùng
 3 lít rượu trắng. Sau 1 tuần lọc lấy nước cốt. Cứ 5 đến 10ml nước cốt pha với 1 lít nước rồi tưới cho cây. Bạn thể phun vào đất xung quanh cây phòng sâu bệnh lúc dịch chưa hoành hành hoặc phun nhẹ lên lá khi thấy sâu bệnh hại xuất hiện.



– Trị sâu bệnh bằng thuốc lào

Một gói thuốc lào nhỏ đem ngâm với 1 lít nước trong 2 ngày. Sau đó, bạn hòa thêm 1,5 lít nước trước khi lọc lấy nước cho vào bình xịt. Dung dịch nước thuốc lào có thể trị rệp và một số loại sâu phổ biến.

6. Cải tạo đất



Khoai tây trồng thùng xốp

Thông thường, đất trồng phải thay sau 2 năm vì bạc màu, mất chất dinh dưỡng.

Vào mùa hè, chọn đúng dịp nắng nóng liên tục cả tuần, bạn sẽ xới đất lên để rắc vôi. Một thùng xốp rắc khoảng 1 nắm vôi rồi phơi nắng từ 7-10 ngày, sau đó trộn thêm trấu hun và phân trùn quế.

Khi trồng cây cũng chú ý luân canh, xen canh cây trồng, không nên trồng liền 2 vụ cùng 1 loại cây trên 1 chậu đất để đảm bảo hiệu quả và hạn chế sâu bệnh. Ví dụ như trong thùng xốp, vụ này trồng cà chua thì vụ tới trồng rau ăn lá.

(sưu tầm)

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

Trồng rau sạch tại nhà - chỉ 5 bước!!!

Nếu bạn chưa có kinh nghiệm làm vườn hay đây là lần đầu bạn trồng rau quả tại nhà thì 5 bước cơ bản trồng rau sạch tại nhà sau sẽ giúp bạn có cách nhìn tổng quát để trồng rau sạch tại nhà hiệu quả hơn nhé.

Bước 1: Làm đất

Phần chuẩn bị đất trồng bạn cần có đất, đất này bạn có thể dùng đất nhà vườn ở nhà bạn (nếu có), nếu nhà bạn không có đất, thì có thể ra các cửa hàng giống cây trồng để mua đất sạch.

Nếu bạn có đất vườn thì dùng đất đó trộn với vôi, phân bò khô, trấu theo tỉ lệ 1:1/8:1/8:1/10

Sau đó trộn lại với nhau thành hỗn hợp đất trồng. Phơi nắng 7 ngày rồi đem trồng.



Bước 2: Ủ phân
Bạn cần có thùng chứa rác để bỏ rác hữu cơ như vỏ trái cây các loại, vỏ trứng, các rau củ quả thừa, hư. Ủ trong thùng rác có đậy nắp sau 1 đến 3 tháng, bạn có thể sử dụng phân ở dưới đáy thùng rác làm phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng.



Ngoài ra, nếu bạn không thích ủ phân, bạn có thể mua phân trùn quế, đây là phân hữu cơ tự nhiên giàu dinh dưỡng, bón kết hợp với phân hữu cơ vi sinh khác sẽ cho cây phát triển đầy đủ. Không cần phải qua ủ phân mà có thể sử dụng ngay lập tức.



Bước 3: Chuẩn bị hạt giống


Hạt giống mua về bạn phải ngâm với nước ấm 3 sôi 2 lạnh để 7 tiếng, sau đó gieo xuống đất như vậy hạt giống sẽ nhanh nảy mầm hơn. Tùy vào loại cây, thông thường hạt giống nảy mầm từ 3 đến 7 ngày.



Bước 4: Tưới nước

Cây lúc nào cũng cần nước, cho nên mỗi ngày tưới nước 2 lần vào lúc sáng trước 8h sáng và sau 5h chiều. Những lúc cây còn non, nên dùng vòi phun nhẹ tưới nước, tránh làm gãy cây. Khi cây đã vững, thì mới dùng vòi phun nước tưới.



Bước 5: Diệt sâu bệnh

Vì trồng rau quả tại nhà, nên chúng ta không dùng thuốc trừ sâu hay thuốc hóa học tiêu diệt sâu bọ, thay vào đó, để an toàn thực phẩm, bạn nên dùng thuốc trừ sâu hữu cơ được làm từ những rau củ quả hữu cơ.



Nếu bạn tuân thủ các bước trên, đối với các loại rau củ bạn sẽ thu hoạch chúng sau 30 ngày trồng. Còn các loại quả như cà chua, dưa leo, bầu, mướp, dưa lưới, … sẽ thu hoạch từ 20 đến 30 ngày trồng.



Nếu bạn đã có vườn rau như ý muốn hãy chia sẻ lên đây nhé, mọi người sẽ cùng học kinh nghiệm lẫn nhau, cùng chia sẻ những bí quyết trồng rau quả tại nhà hiệu quả nhất.

Chúc bạn thành công!

NHỮNG LỢI ÍCH SỨC KHỎE TỪ VIỆC LÀM VƯỜN

(Nguồn: Safegardening)



Dường như không có gì đáng ngạc nhiên khi hiện nay có rất nhiều người lớn tuổi tận hưởng thú làm vườn trong trong thời gian rảnh rỗi. Nó không chỉ là một cách sống lành mạnh để duy trì sức khỏe; mà còn là một hoạt động phù hợp với khả năng của mọi người. Các công việc làm vườn có thể nặng nhọc nhưng cũng có thể rất nhẹ nhàng, điều đó tùy thuộc vào phần công việc bạn chọn lựa để phù hợp với khả năng thể lực của bản thân.

Nếu bạn có một số khuyết tật hoặc đang trong tình trạng cần theo dõi y tế thì hoạt động làm vườn của bạn cần phải được xem xét một cách cẩn thận. Tuy vậy, vẫn có rất nhiều điều bạn có thể làm; bạn có thể tập luyện dần để thích nghi với công việc và mua những thiết bị chuyên dụng nhằm tiếp cận việc làm vườn dễ dàng hơn.

 Lợi ích cho sức khỏe thể chất
Khi tỉa cành, gieo hạt giống hoặc nhổ cỏ dại, bạn sẽ thường xuyên phải đi bộ, uốn người, duỗi và vươn người – đó là các động tác thể dục giúp ích cho sự linh hoạt và khả năng di chuyển. Hơn nữa, việc làm vườn còn có thể giúp ngăn ngừa tình trạng suy nhược như bệnh loãng xương, đang ngày càng trở nên phổ biến trong lứa tuổi về hưu.


Những công việc như khiêng thùng nước tưới cho cây trồng, đẩy xe cút kít (xe đẩy làm vườn) hoặc di chuyển/ nhấc những cái chậu là những hoạt động mang vác – giúp tăng cường cơ bắp và xương, nó cũng tốt cho tim và lưu thông máu.
Nhiều người ở tuổi nghỉ hưu có thể phải chịu đựng bệnh viêm khớp và các tình trạng khác có liên quan khi họ già đi. Điều này có nghĩa là họ sẽ thường xuyên gặp phải vấn đề thường thấy như các khớp bị cứng, bàn tay và ngón tay thiếu linh hoạt.

Vì vậy, ngoài một số công việc nặng như khiêng chậu và đào xới, những công việc nhẹ nhàng và phức tạp hơn như lựa và nhặt đá ra khỏi từ đất và kiểm tra các cây xem có bị bệnh dịch hại hay không cũng giúp ích cho các động tác nhỏ của tay, giúp các ngón tay và ngón cái phối hợp tốt hơn.

  Lợi ích sức khỏe tinh thần

Làm vườn cũng là một cách tốt để điều trị và luyện tập tinh thần. Hãy tưởng tượng, vào mùa xuân và mùa hè, điều gì có thể tốt hơn việc bạn tận hưởng tiết trời ấm áp và ngắm nhìn, lắng nghe âm thanh của thiên nhiên và thế giới hoang dã xung quanh? Làm vườn trong những năm tháng tuổi già giúp bạn giảm mức độ căng thẳng cũng như làm bạn thêm phấn chấn tinh thần.

Việc làm vườn cũng có thể giúp đỡ bạn trong tương tác xã hội khi bạn có thể trò chuyện với những người hàng xóm đang làm vườn kế bên. Hoặc thậm chí bạn có thể trở thành một thành viên của câu lạc bộ làm vườn địa phương hay một cộng đồng làm vườn. Vì vậy mà làm vườn chắc chắn không phải là một hoạt động nhất thiết phải thực hiện một cách cô lập.

Sau một phiên làm vườn là một cơ hội tuyệt vời để thư giãn – việc thư giãn cũng rất quan trọng đấy nhé. Thêm vào đó, nếu bạn bị khó ngủ, làm vườn có thể là giải pháp hoàn hảo vì không khí trong lành và lao động thể chất sẽ giúp bạn không gặp rắc rối trong việc chìm vào giấc ngủ ban đêm.

  Các hoạt động làm vườn
Rõ ràng là bạn cần phải xem xét những loại hình hoạt động làm vườn mà bạn muốn thực hiện. Điều này phụ thuộc vào tình trạng thể chất và tất cả những hạn chế mà bác sĩ đưa ra cho bạn. Tuy nhiên, có một vài việc dành cho tất cả mọi người khi làm vườn – từ nặng nhọc tới các hình thức nhẹ nhàng. Những việc này bao gồm:


• Trồng cây, đào xới và gieo hạt

• Tỉa và xén lá

• Hái hoa và cắm hoa

• Chuẩn bị trái cây và rau quả để thu hoạch

• Trồng và nấu ăn với những sản phẩm của chính mình

Như vậy, làm vườn khi bạn về già đem lại cho bạn rất nhiều lợi ích sức khỏe thể chất và tinh thần. Nó cũng mang lại cho bạn cơ hội lý tưởng để ở ngoài trời thường xuyên hơn – điều mà chỉ có thể là tốt chứ không bao giờ gây hại cho sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn có những kiêng kị hay khó khăn về mặt thể chất mà bạn cảm thấy có thể bị ảnh hưởng khi làm vườn thì trước tiên bạn hãy nói chuyện với bác sĩ để có được cho mình những lời khuyên hữu ích.

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chùm ngây

Cây Chùm ngây có thể trồng quanh năm, thời vụ tốt nhất là vào tháng 5 đến tháng 11. Sau đây là cách trồng và chăm sóc cây Chùm ngây.

Cây chùm ngây - còn một tên khác của nó là Cây Moringa Oleifera, xuất xứ từ Bắc Ấn độ nhưng hiện nay đã được phổ biến trên 80 quốc gia vùng nhiệt đới.

Sau khi thử nghiệm, người ta thấy 100gr lá Moringa cung cấp vitamins C của 7 trái cam, canxi của 4 ly sữa, vitamin A của 4 củ cà rốt, 2 lần protein của 1 ly sữa, ba lần chất potassium của một trái chuối.
Moringa cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ em, người già, sản phụ, và là loại rau rất tốt cho người ăn chay, suy dinh dưỡng và người mới khỏi bệnh.



1. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

Chùm ngây thuộc loại đại mộc, cây có thể trồng trong chậu cảnh hoặc ngoài vườn và có thể mọc cao 5 đến 10m. Lá kép, hoa trắng mọc thành chùm, quả dài giống quả cây hoa phượng, hạt màu đen. Cây sinh trưởng tốt ở nhiều điều kiện khí hậu và trổ hoa vào các tháng 1 – 2. Các bộ phận của cây như lá, quả là nguồn thực phẩm tốt, đặc biệt củ cây là một loại dược liệu quý.

Cây ưa sáng mọc nhanh, giai đoạn đầu ưa bóng nên có thể trồng xen, khi cây lớn điều chình ánh sáng, tái sinh chồi mạnh với những nơi độ ẩm cao, đất xốp, tầng mùn dày, tái sinh hạt yếu. Cây chịu hạn tốt, ưa khô và chịu được những nơi đất xấu cằn cổi. Cây có thể trồng quanh năm, đối với trồng hạt và trồng cây non bầu 6 tuần tuổi, thì thời vụ tốt nhất là vào tháng 5 đến tháng 11. Sau đây là cách trồng và chăm sóc cây Chùm ngây.

Trồng hạt.


Ngâm đúng kỹ thuật sẽ cho tỉ lệ nẩy mầm ~ 85% đối với hạt giống mới và tỷ lệ ~ 40% đối với hạt giống lưu trữ 1 năm.

Ngâm hạt trong nước ấm (2 sôi + 3 lạnh) trong vòng 24 giờ. Hạt sau khi ngâm, vớt ra trộn với cát, ủ trong bao tải, hoặc rơm rạ mỗi ngày tưới một lần, 3 - 6 ngày sau hạt nẩy mầm, đem hạt trồng ra vườn hoặc chậu nhựa chứa đất tơi xốp có khoét lỗ rút nước, tưới nước vừa đủ ẩm , tránh sũng nước, 3 - 5 ngày cây sẽ nhú lên, chờ từ 6 - 8 tuần cây khỏe, cứng cáp.

Trồng bầu với cây 6 tuần tuổi.


Cây ươm bầu 6 tuần tuổi cao từ 25-30cm đã đâm rễ mạnh và cứng cáp. Đào lỗ sâu 30cm và rộng 30cm, mỗi lỗ đào cách nhau từ 1,5m - 2m. Nếu trồng chậu, thì nên trồng trong chậụ lớn đường kính > 50cm để cây và củ phát triển tốt.

Sau khi chuẩn bị đất xong, tiến hành cắt đáy, rạch hai bên bầu, lưu ý không để phạm vào rễ cái. Đổ một lớp đất xốp trước khi đặt bầu xuống, cuối cùng là phủ, nén lớp đất xốp chung quanh và mặt trên, giữ ẩm 2 - 3 tuần cây sẽ sống khoẻ, đến lúc đó không cần phải thường xuyên tưới nước nữa. Giai đoạn đầu, cần lưu ý bảo vệ cây non khỏi chuột cắn!

Trồng cây 1 năm tuổi.

Cây trồng được 1 năm tuổi đã tiến hành xén ngọn, cây cao từ 1-1,5m, củ nặng khoảng 500g và đã cho thu hoạch lá được ngay. Đào lỗ sâu 50cm và rộng 50cm, mỗi lỗ đào cách nhau từ 1,5m - 2m. Nếu trồng chậu, thì nên trồng trong chậụ lớn đường kính > 50cm để cây và củ phát triển tốt.

Sau khi chuẩn bị xong đất, tiến hành cởi bỏ bao đất, cần nhẹ nhàng không để phạm vào rễ cái. Đổ một lớp đất xốp trước khi đặt bầu xuống, cuối cùng là phủ, nén lớp đất xốp chung quanh và mặt trên, giữ ẩm trong vòng 1 tuần cây sẽ sống khoẻ. Sau 3 tuần là có thể hái lá và ngọn non sử dụng.

2. Chăm sóc và thu hoạch

Giai đoạn đầu, không để gia súc, gia cầm vào khu vực trồng cây vì cây đang non, mềm dễ bị gãy và dậm đạp hư cây. Hằng năm có kế hoạch làm cỏ, xới vun gốc và bón phân vi sinh, hữu cơ cho cây.

Thu hoạch lá: Cây 3 tháng tuổi đã bắt đầu cho thu hoạch, cây cao 60cm bắt đầu cắt ngọn và mỗi tháng tiến hành tỉa cành thúc đẩy cây đâm chồi, chăm sóc bón phân, sau 6 tháng tuổi, cây cao khoảng 2 mét, là thời gian bắt đầu thu hoạch chính, trung bình cây đã có thể cho 600g lá tươi /cây /tháng.



Thu củ và quả: Cây 5 năm tuổi sẽ có thể thu hoạch củ, mỗi cây cho từ 3 – 10kg củ lớn với giá trị cao. Quả già có thể phơi khô làm giống hoặc lấy hạt rang ăn như lạc cũng rất tốt.

Chú ý khi sử dụng cây Chùm ngây: Mặc dù cây Chùm ngây là một món ăn dinh dưỡng rất tốt đặc biệt cho phụ nữ mới sinh và con nhỏ. Tuy nhiên khi bạn có thai, hormon thai nghén là progesterone bài tiết làm mềm tử cung khiến cơ tử cung không co bóp. Còn alpha-sitosterol trong rau chùm ngây gây co cơ trơn tử cung và làm sẩy thai. Vì thế các nhà khoa học nhắc nhở “phụ nữ có thai không được ăn rau chùm ngây”.

Trên đây là hướng dẫn cơ bản về kỹ thuật trồng cây Chùm ngây làm rau ăn hàng ngày.

Chúc các bạn có một góc vườn nhỏ xanh đẹp và hữu ích.


Những tác dụng của cây chùm ngây

Trẻ em và người già nên bổ sung chùm ngây vào thực đơn tuy nhiên phụ nữ có thai lại nên tránh loại rau này.

Tác dụng của chùm ngây




Từ lá, thân, hạt, rễ của chùm ngây đều có tác dụng tốt. Ảnh: nongnghieppho.

Chùm ngây là loại cây có xuất xứ từ vùng Nam Á. Loại cây này trước đây mọc hoang rất nhiều ở Việt Nam nhưng không được nhiều người biết về giá trị dinh dưỡng cũng như dược tính của nó. Sau này, khi có nhiều thông tin hơn về chùm ngây, loại cây này bỗng trở thành "thần dược" được rất nhiều gia đình ưa chuộng như một giải pháp dinh dưỡng tối ưu.

Chùm ngây, còn được gọi tên là cây vạn năng, cây thần diệu. Tên gọi này có lẽ xuất phát từ những ưu thế về dưỡng chất mà dược tính mà nó mang lại. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh chùm ngây có giá trị dinh dưỡng rất cao với hơn 90 dưỡng chất.

Những dưỡng chất tổng hợp của chùm ngây bao gồm nhiều chất đạm và các vitamin thiết yếu, beta - carotene, 18 axit amin, hợp chất phenol, nhiều khoáng chất... Trong đó đặc biệt chùm ngây có chứa hàm lượng canxi cao gấp 4 lần sữa, vitamin A cao hơn cà rốt 4 lần và vitamin C gấp 7 lần quả cam.

Ngoài ra chùm ngây còn có nhiều chất chống oxy hóa và các chất kháng sinh, chất chống viêm nhiễm... Loại cây này có nhiều chất có khả năng ngăn ngừa khối u, u xơ tiền liệt tuyến, đào thải độc tố, giúp ổn định huyết áp, bảo vệ gan và chống lại căn bệnh tiểu đường.

Các bộ phận của chùm ngây có giá trị dinh dưỡng và dược tính bao gồm lá, thân, rễ và hạt. Đây là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao, có thể sử dụng để bổ sung dưỡng chất cho cơ thể, tăng sức đề kháng một cách tự nhiên nhất.

Rễ cây chùm ngây

- Chống co giật, chống sưng và giúp cho lợi tiểu.

- Ở một số nơi còn dùng nước uống của chùm ngây để ngăn ngừa việc có thai (rễ cây chùm ngây còn tươi rửa sạch băm nhỏ nấu với 2 lít nước, nấu còn nửa lít thuốc, chia uống 2 lần trong ngày).

- Giúp loại bỏ sạn thận loại Oxalate.

- Vỏ rễ dùng sắc lấy nước trị đau răng, đau tai…

- Rễ tươi của cây chùm ngây non dùng trị nóng sốt, phong thấp, sưng gan và lá lách…

Vỏ thân cây chùm ngây


- Trị nóng sốt, đau dạ dày, sâu răng…

- Nhiều trường hợp đưa vỏ thân cây chùm ngây vào tử cung để gây giãn nở, phá thai.

Lá cây chùm ngây


- Giã nát lá đắp lên vết thương giúp trị sưng và nhọt. Lá cũng có thể trộn với mật ong để đắp lên mắt trị sưng đỏ.

Hạt cây chùm ngây

- Dầu được chế từ hạt chùm ngây trị phong thấp

- Hạt chùm ngây giúp trị táo bón, mụn cóc và giun sán.

- Ngoài ra, hạt chùm ngây còn có tác dụng lọc nước. Hạt có chứa các hợp chất “đa điện giải” tự nhiên có thể dùng làm chất kết tủa để làm trong nước.

Canh chùm ngây ăn mát, có vị và cách nấu gần giống rau ngót.

Những lưu ý khi sử dụng

Cũng như các loại thực phẩm khác, dù tốt đến đâu chùm ngây cũng không thể là "thần dược" và không được sử dụng bừa bãi, nếu lạm dụng sẽ đem lại những hậu quả không tốt cho sức khỏe. Khi sử dụng chùm ngây làm thực phẩm cho gia đình, các bà nội trợ nên lưu ý những điều sau đây:

Phụ nữ mang thai không ăn chùm ngây

Khi có thai, hormon thai nghén là progesterone bài tiết làm mềm tử cung khiến cơ tử cung không co bóp. Còn alpha-sitosterol trong rau chùm ngây gây co cơ trơn tử cung và làm sẩy thai. Chính vì thế, phụ nữ có thai, nhất là người đang mang thai giai đoạn đầu không nên sử dụng chùm ngây để giữ an toàn cho thai nhi và bà mẹ.

Không nên ăn quá nhiều chùm ngây

Vì loại cây này rất nhiều dưỡng chất, hàm lượng vitamin C và canxi có trong lá dùng làm thực phẩm rất cao, nên nếu ăn quá nhiều rau chùm ngây có thể dẫn đến thừa vitamin C, thừa canxi, gây những hậu quả xấu cho sức khỏe.

Không nên ăn chùm ngây vào buổi tối

Vitamin C có trong chùm ngây có thể khiến thần kinh của bạn hưng phấn vào lúc bạn cần nghỉ ngơi, vì thế không nên ăn rau chùm ngây buổi tối để tránh bị mất ngủ.